Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Điều trị chứng Huyễn vựng




BỆNH ÁN CHÓNG MẶT

 (Trích trong sách Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm Của Tôn Học Quyền) Bệnh nhân Lý, nữ, 30 tuổi, công nhân, khám lầm đầu ngày 12/12/1969. Bệnh nhân đột ngột bị chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa, điều trị bằng thuốc trong một bệnh viện, nhưng các triệu chứng không thuyên giảm, nên yêu cầu được châm trị. Chẩn đoán là chóng mặt. Điều trị: Châm các huyệt Thần môn, Vỏ não ở loa tai và Nội quan. Sau khi sát trùng, dùng kim nhỏ dài 0,5 thốn, châm thẳng góc trên các huyệt sâu 0,1 – 0,2 thốn, vê kim nhanh mỗi lần 5 – 10 phút, lưu kim 10 – 20 phút.Sau 10 phút điều trị, ngừng nôn mửa, có thể mở mắt và có thể cử động một ít, sau 30 phút bệnh nhân đã ngủ. Ngày hôm sau, các triệu chứng đã giảm một cách rõ rệt, châm thêm lần nữa, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn và không thấy tái phát trong 10 năm.
Bệnh nhân Trang, nữ, 78 tuổi, nội trợ. Bệnh nhân đã bị chóng mặt hơn 10 năm, mỗi năm bị 2 – 3 cơn. Các triệu chứng luôn có là chóng mặt, nôn mửa, không thể cử động đầu và mờ mắt, những triệu chứng này kéo dài từ 5 – 6 ngày, rồi sau đó dần dần giảm đi. Bệnh viện chẩn đoán là chóng mặt, khi thăm khám thân nhiệt, huyết áp, tim phổi bình thường, rêu lưỡi mỏng, hơi vàng, mạch Huyền. Chẩn đoán là chóng mặt. Điều trị: Châm Phong trì, Bách hội, Đầu duy xuyên Hàm yến và Nội quan. Vê kim 10 phút. Chóng mặt giảm và có thể mở mắt vào ngày hôm sau. Châm như cũ sau đó các triệu chứng hết hẳn và không thấy tái phát trong 2 năm.

Với những trường hợp huyễn vựng “thứ phát”, nghĩa là do một căn bệnh khác gây nên, ví dụ như cao huyết áp, thiếu máu … , chỉ cần tập trung chữa khỏi bệnh liên quan, thì huyễn vựng tự nhiên sẽ hết. Còn đối với những trường hợp, tuy đã tới bệnh viện khám, chiếu chụp, xét nghiệm … mà bác sĩ vẫn không thể xác định được chính xác căn nguyên, thì có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể của bản thân, để xác định thể bệnh và sử dụng những bài thuốc Đông y thích hợp, theo các phương án sau:
Biểu hiện chủ yếu của thể bệnh này là: Thỉnh thoảng bỗng nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, kèm theo tai ù, có tiếng như ve kêu, lợm giọng, nôn mửa … Mỗi khi tình cảm biến động mạnh, hoặc tinh thần căng thẳng, thì bệnh phát nặng hơn. Thường ngày hay đau đầu, thỉnh thoảng mặt đỏ bừng từng cơn, bồn chồn, dễ cáu giận, ngủ ít, mộng nhiều, miệng đắng hoặc chua, ngực sườn đầy trướng, nóng rét qua lại, lưỡi không rêu, mạch huyền (căng như dây đàn).
Để chữa trị cần dùng phép “Bình Can tức phong” (điều hoà chức năng tạng Can, trừ phong) và “Tư dưỡng Can Thận” (bồi dưỡng phần Âm của hai tạng Can, Thận). Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng bài thuốc, hoặc món ăn sau để chữa:
- Bài thuốc: Dùng đẳng sâm 20g (hoặc nhân sâm 8g), bạch truật 10g, xuyên khung 5g, bán hạ chế (tẩm nước gừng, sao vàng) 10g, hương phụ (củ gấu) 15g, sài hồ 12g, kinh giới 10g, câu đằng 10g, chi tử (dành dành) 10g, cam thảo 5g. Sắc với 1500 ml nước, đun cạn còn 600ml, chia thành 3 phần uống trong ngày vào lúc đói bụng. Liên tục 7-8 ngày (một liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác, đến khi khỏi bệnh.
- Canh hạ khô thảo: Hạ khô thảo 20g, thịt lợn nạc 50g, mắm muối và gia vị lượng thích lượng. Thịt lợn nạc thái lát mỏng, cho vào nồi cùng với hạ khô thảo, thêm lượng nước thích hợp, nấu nhỏ lửa tới khi thịt chín nhừ, thêm mắm muối và gia vị, dùng làm thức ăn trong bữa trưa. Liên tục 7-8 ngày.
- Nước ép rau cần: Dùng rau cần 2 phần, nho 1 phần – (tỷ lệ 2:1). Nho rửa sạch, hong khô. Rau cần rửa sạch, hong khô, cắt nhỏ. Tất cả đem giã nát, vắt lấy nước uống. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20ml, liên tục 7-8 ngày.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Viêm gan siêu vi B vấn đề sức khỏe cộng đồng


Viêm gan siêu vi B vấn đề sức khỏe cộng đồng

  Viêm gan siêu vi B vấn đề sức khỏe cộng đồng

Gần 20% dân số VN nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B. Căn bệnh nguy hiểm này đang là gánh nặng cho y tế cộng đồng VN", Giáo sư Bùi Duy Tâm, Chủ tịch Quỹ gan Quốc tế cho VN, cho biết kết luận nghiên cứu gần đây trong buổi ký biên bản hợp tác giữa Đại học Y dược TP.HCM, Ủy ban Kết nghĩa TP.San Francisco - TP.HCM và Quỹ gan Quốc tế cho VN, vào sáng nay 18.10.

 
Theo ông Tâm, cứ 4-5 người dân VN thì lại có một người bị nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B mãn tính. Mỗi năm căn bệnh này khiến nhiều người tử vong trong nghèo khốn và đau đớn vì biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan.
 
 
Vì vậy, các chuyên gia y tế đánh giá viem gan sieu vi B đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm tại VN. Tuy nhiên, hiện nay, việc phòng chống viêm gan siêu vi B của ngành y tế chỉ thực hiện trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh hoặc kiểm tra máu của người đi hiến máu.
 
Qua việc ký biên bản trên, Ủy ban Kết nghĩa TP.San Francisco - TP.HCM sẽ hợp tác, hỗ trợ VN tầm soát bệnh viêm gan, với các hoạt động: Giáo dục cộng đồng và cán bộ y tế về các loại bệnh gan khác nhau; mở rộng sàng lọc viêm gan siêu vi B và tiêm chủng cho các đối tượng phù hợp; giám sát ung thư gan ở người đã mắc bệnh gan; giảm nguy cơ lây truyền viêm gan siêu vi và thu thập các số liệu dịch tễ của bệnh lý gan mật...
 
Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Lê Thành Ân cho biết, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho VN trong việc tầm soát xét nghiệm, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị viêm gan siêu vi.

Một số thảo dược trị bệnh gan mật


Một số loại  dược thảo có tác dụng lợi mật, trị viêm gan, quan trọng. Nó làm tăng mạnh lượng mật bài tiết, tăng lượng nước tiểu và nồng độ urê trong nước tiểu, giảm lượng urê và cholesterol trong máu.

Dành dành: Cao chiết từ quả dành dành làm tăng sự tiết mật. Trong thử nghiệm trên thỏ đã thắt ống dẫn mật chủ, cao nước và hoạt chất trừ dành dành ức chế sự gia tăng bilirubin trong máu. Dành dành còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Trong y học cổ truyền, nó là một vị thuốc được dùng từ lâu đời chữa bệnh vàng da. Ngày dùng 6-12 g quả dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán.

Đại hoàng: Có tác dụng làm tăng tiết mật, kháng khuẩn, lợi niệu. Với liều vừa phải (0,5-2 g), nó chữa các chứng vàng da, kém ăn, ăn không tiêu. Ở liều cao, nó là thuốc tẩy nhẹ dùng cho người bị vàng da nặng, đầy bụng, đại tiện bí. Ngày dùng 3-10 g sắc uống. Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc người bị sỏi niệu calci oxalat không dùng đại hoàng.

Hoàng cầm: Có tác dụng ức chế kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B. Trong y học cổ truyền, hoàng cầm được dùng điều trị bệnh vàng da. Ngày uống 6-15 g dạng thuốc sắc hoặc bột.

Nghệ: Tinh dầu nghệ có tác dụng làm tăng tiết mật nhờ thành phần p-tolylmethyl carbinol. Nghệ còn có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Một bài thuốc có nghệ đã được áp dụng điều trị viêm gan do virus và hầu hết bệnh nhân thử nghiệm đều khỏi. Trong y học cổ truyền, nghệ được dùng chữa bệnh vàng da. Ngày uống 2-6 g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc, chia làm 2-3 lần.

Nhân trần: Cao chiết từ nhân trần có tác dụng làm tăng tiết mật, tăng chức năng thải trừ của gan, kháng khuẩn và chống viêm. Nhân trần đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm gan do virus cấp tính, bệnh vàng da.Trong y học cổ truyền, nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 8-20 g, dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc thuốc viên.

Các bài thuốc cụ thể
- Vàng da, vàng mắt, sốt: Dành dành 5 g, hoàng bá 5 g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Nhân trần 20 g, dành dành 12 g, đại hoàng 4 g. Sắc uống ngày một thang.

- Viêm gan, vàng da, vàng mắt: Nhân trần 30 g, dành dành 12 g, vỏ đại 10 g (hoặc chút chít 8 g). Sắc uống ngày một thang.
- Viêm gan, tắc mật: Đại hoàng tẩm rượu sao, tán bột. Ngày uống 2-4 lần, mỗi lần 2 g.
dành, nhọ nồi, hậu phác nam (vối rừng) mỗi vị 2 g.
Nghệ, dành dành, hậu phác nam được tán bột mịn, các vị khác nấu cao đặc với nước. Làm viên hoàn, ngày uống 10 g, chia làm 2 lần.
BS Đoàn Thị Nhu, Sức Khoẻ & Đời Sống

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

THUỐC NAM TỪ CÂY DỀN GAI

Một số bài thuốc Nam thường dùng:
- Rắn cắn: Hạt rau dền gai 5 g (1 muỗng đầy), phèn chua 0,5 g. Cả hai thứ đem giã nát, chia hai phần, một phần để uống, chiêu thuốc với rượu hoặc nước ấm (rượu dẫn thuốc nhanh hơn). Phần còn lại đem đắp lên vết cắn. Cần kết hợp với hút nọc rắn tại vết cắn.
- Ung nhọt chưa vỡ mủ, đau nhức: Rễ rau dền gai giã nát, đắp lên ung nhọt, có tác dụng làm nhanh vỡ mủ.
- Bỏng: Thân, lá cây rau dền gai rửa sạch, giã nát, đắp lên vết bỏng.
- Ho đờm: Thân, lá cây rau dền gai 50-100 g, giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50 g, lá bồng bồng 20 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50 g, lá húng chanh 16 g, vỏ rễ dâu tằm 16 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
- Viêm họng: Thân, lá cây rau dền gai, lượng vừa đủ, thêm một ít muối hạt, 1-3 lát gừng tươi. Tất cả nhai nát, nuốt nước dần. Ngày nhai ngậm 1-2 lần.
- Chữa lỵ: Thân, lá cây rau dền gai 100 g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50 g, rau sam 30 g. Nấu canh ăn ngày 1-2 lần.

    theo BS Kim Ngân

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

MUỐN TĂNG TRÍ NHỚ



Có một khả năng ghi nhớ tốt là ước vọng của mọi người, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên và những người lao động trí óc. Nhưng, điều đó không phải bao giờ cũng có được vì nhiều lý do khác nhau tùy thuộc vào thiên bẩm, thể chất, tuổi tác, môi trường sống, điều kiện giáo dục... trong đó không thể không kể đến chế độ ăn uống. Vậy, ăn gì để có thể làm tăng khả năng ghi nhớ?

Não lợn: Theo thuyết “dĩ tạng bổ tạng” (lấy tạng bổ tạng) của Y học cổ truyền, não lợn vị ngọt, tính bình, có công dụng ích thận bổ não, bổ cốt tủy, được dùng để chữa các chứng tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), kiện vong (hay quên), huyễn vựng (chóng mặt hoa mắt)... Thường dùng dưới dạng hấp cách thủy ăn đơn thuần hoặc phối hợp với kỷ tử và hoài sơn. Não lợn có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt chứa rất nhiều cholesterol cho nên những người bị rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch khi dùng cần có sự tư vấn của thầy thuốc.

Trứng chim bồ câu: Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận dưỡng tâm, thường được dùng làm thức ăn cho những người mất ngủ hay quên, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lưng đau gối mỏi... do tâm thận hư yếu. Cổ nhân có câu: “Tâm tri tương lai, thận tàng dĩ vãng”, vậy nên bồi bổ 2 tạng tâm và thận có tác dụng trực tiếp đến việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Dân gian thường dùng trứng chim câu 5 quả, long nhãn 15g, kỷ tử 15g và đường phèn 25g hấp cách thủy, ăn mỗi ngày 2 lần để chữa chứng hay quên.

Trứng chim cút: Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ích khí huyết, kiện não ích trí. Với giá trị dinh dưỡng rất cao vượt xa so với các loại trứng gia cầm khác, đặc biệt có chứa nhiều leucithin, trứng chim cút là một trong những loại thực phẩm rất hữu ích cho não bộ. Thường được dùng dưới dạng luộc ăn mỗi ngày vài quả, kho thịt, nấu canh bóng hoặc làm nhân bánh bao.

Mật ong: Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ hư, nhuận táo, giải độc, được mệnh danh là “tinh của trăm hoa”. Mật ong rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó đặc biệt là có chứa nhiều loại men, acid amin, các vitamin và nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương, qua đó cải thiện khả năng ghi nhớ. Dược thư cổ Thực vật bản thảo đã viết: “Phong mật, cửu phục cường chí khí, khinh thân, bất cơ bất lão, diên niên thần tiên” (Uống mật ong lâu ngày sẽ làm mạnh mẽ thần trí, thân thể nhẹ nhàng, không đói không già, sống lâu như thần tiên). Có nhiều cách dùng, nhưng đơn giản nhất là đều đặn mỗi tối uống 2 thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ.

Đông trùng hạ thảo:
Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư tổn, ích tinh huyết, là một trong những vị thuốc - thực phẩm nổi tiếng của Y học cổ truyền, sánh ngang với nhân sâm và nhung hươu, thường được dùng để chữa chứng “kiện vong” do thận hư.



Tác dụng dược lý của đông trùng hạ thảo hết sức phong phú, trong đó có tác dụng trấn tĩnh, tăng cường sức chú ý và nâng cao năng lực ghi nhớ. Có thể dùng dưới dạng thô hoặc dạng đã bào chế như: viên nang, thuốc nước, thuốc bột... Khi dùng dưới dạng thô, người ta thường chế biến đông trùng hạ thảo thành các món ăn - bài thuốc cùng với thịt vịt, ba ba, tôm nõn, thịt lợn nạc...

Hồ đào nhân: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện. Hồ đào nhân có giá trị dinh dưỡng rất cao, cứ mỗi 100g có chứa 58-74g chất béo, chủ yếu là các acid béo không no, 18g chất đạm, 10g chất vô cơ, nhiều loại vitamin như: B1, B2, C, E... và các nguyên tố vi lượng như: Ca, P, Fe, Zn, Mg... một lượng lớn photpholipid và lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Bởi vậy, hồ đào nhân là một trong những thực phẩm - vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Cách dùng đơn giản là kiên trì ăn hàng ngày 1-2 trái hồ đào nhân hoặc dùng 30g hồ đào nhân nấu cháo ăn cùng với gạo tẻ.

Long nhãn: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí. Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng long nhãn có khả năng “quy tỳ nhi ích trí” (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ).

Sách Bản thảo cương mục cũng viết: “Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí” (long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khỏe tinh thần). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng chống tích cực chứng kiện vong, dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15 ml.

Nấm linh chi: Vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, tư bổ cường tráng, kiện não ích trí, được mệnh danh là “tiên thảo” (cỏ tiên). Nghiên cứu lâm sàng hiện đại cho thấy, linh chi có khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt đối với những bệnh nhân tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), thất miên (mất ngủ), kiện vong (hay quên)... do tâm tỳ hư nhược.

Thường được dùng dưới dạng linh chi thô 3-6g, hãm uống thay trà mỗi ngày 2 lần hoặc các dạng đã được bào chế như: viên nang, trà tan, cao lỏng, thuốc nước theo chỉ định của thầy thuốc.

Nhân sâm: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí, là vị thuốc - thực phẩm đứng đầu trong nhóm dược liệu có công dụng bổ khí. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân sâm có khả năng cải thiện chuyển hóa của tổ chức não, hưng phấn và tăng cường tính linh hoạt của hệ thần kinh, nâng cao khả năng ghi nhớ. Bởi vậy, nhân sâm cũng là một trong những thực phẩm - thuốc rất hữu ích cho việc làm tăng trí nhớ, phòng chống suy nhược thần kinh và chứng hay quên do khí huyết suy nhược. Thường được dùng dưới nhiều dạng như: trà sâm, rượu sâm, viên nang, cao lỏng, món ăn - bài thuốc...

Liên nhục (hạt sen): Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần.
Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh viết: “Liên nhục, bổ trung, dưỡng thần, ích khí lực, trừ bách bệnh, cửu phục khinh thân nãi lão” (hạt sen bổ tỳ vị, có lợi cho thần khí, trừ được trăm bệnh, dùng lâu làm nhẹ người và kéo dài tuổi thọ). Thường được dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn - bài thuốc như: mứt sen, chè hạt sen, cháo hạt sen...

Kỷ tử: Vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ can thận, làm sáng mắt và nhuận tràng. Dân gian thường dùng kỷ tử để phòng chống chứng kiện vong và tăng cường trí nhớ bằng cách lấy kỷ tử 30g, não dê 1 bộ, đem hấp cách thủy ăn; hoặc lấy kỷ tử 10g, hoài sơn 30g, não lợn 1 bộ, hấp cách thủy ăn; hay kỷ tử 20g, hồng táo 6 quả, trứng gà 2 quả, tất cả đem nấu chín, sau đó bóc bỏ vỏ trứng rồi đun thêm 15 phút nữa là được, chế thêm gia vị ăn nóng, mỗi tuần 2 lần.

Ngoài ra, theo dinh dưỡng học cổ truyền, còn nhiều loại thực phẩm khác cũng có công dụng làm tăng trí nhớ như: ngô, bá tử nhân, đại táo, các loại đậu, tổ yến, ngân nhĩ, mộc nhĩ, bách hợp, lạc, khiếm thực, hoàng tinh, hoàng kỳ, nấm hương, nấm rơm, nấm kim châm và các loại nấm ăn khác, trứng gà, các loại cá... 
 
(Theo suckhoedoisong)

Tía tô vị thuốc quý


Tía tô, chữa từ động thai đến ngộ độc...



Tía tô có tên khoa học là Périlla ocymoides lour, được trồng nhiều ở mọi miền nước ta, chủ yếu để làm gia vị. Tía tô cũng là vị thuốc nam rất quý, được sử dụng điều trị nhiều chứng bệnh.
Là thành phần không thể thiếu trong nồi nước xông (kèm với các vị: kinh giới, hương nhu, lá sả, lá chanh, lá tre, lá chè, lá duối...).

Tía tô cũng là vị thuốc trị ho, tiêu đờm, phong thấp hiệu quả: có thể dùng hạt (tô tử): 3-10g, sao vàng sắc với nước, chia làm nhiều lần để uống trong ngày. Cành lá: 20-30g, cũng sao vàng sắc với nước, chia nhỏ uống nhiều lần trong ngày.

Chữa ăn uống khó tiêu: lá tía tô + cành: chặt nhỏ (2-3 cm) sao vàng, mỗi ngày dùng 20-30g, sắc uống.

An thai: khi động thai (đau bụng): lấy cành cây tía tô (tô ngạch) sao vàng, dùng từ 30-40g, sắc với 150ml còn 100ml, chia nhỏ uống nhiều lần trong ngày.

Chữa ngộ độc cua, cá: khi bị trúng độc do ăn cua, cá: dùng lá tía tô sao vàng, lấy khoảng 30-50g sắc với 200ml, chia nhỏ, uống dần dần.

Chữa hắc lào: lấy lá tươi vò nát xát vào vùng bị hắc lào, mỗi ngày 1-2 lần, sau 4-5 ngày sẽ khỏi (chú ý xát từ mép ngoài của vùng tổn thương vào phía trong, không nên xát từ trong ra ngoài để tránh lây lan rộng)...

Tía tô là loại cây rất dễ trồng, không đòi hỏi chăm bón phức tạp và cũng ít sâu bệnh, chỉ cần đất mùn và năng tưới hằng ngày là được. Mọi nhà nên trồng để sử dụng khi cần.
Thuốc quý từ quả chanh



Chanh là một loại quả rất phổ biến, có nhiều loại: chanh giấy, chanh tứ thời, chanh núm, chanh miền Nam, chanh đào...

Dịch quả chanh pha với nước đường là thức uống giải khát rất thông dụng. Những lát chanh mỏng dùng đắp làm da dẻ phụ nữ thêm mịn màng, tươi tắn.

Về mặt y học, hầu hết các bộ phận của quả chanh đều là những vị thuốc tốt trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.

Vỏ quả: Chiếm 13-24% trọng lượng của quả, chứa pectin, pectat Ca (26,2%), hợp chất flavonoid (0,55-0,75%) gồm hesperidin, naringin, neohesperidin, diosmin. Dược liệu có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, gây trung tiện, chữa đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, ho nhiều đờm. Liều dùng hằng ngày: 5-10g vỏ quả phơi khô dưới dạng nước sắc. Để chữa sốt cao, co giật ở trẻ em, lấy vỏ quả chanh giã nhỏ, gói vào vải sạch, xoa miết khắp người như kiểu đánh gió; kết hợp cho uống nhiều nước dịch chanh. Chất pectin ở phần xốp trắng của mặt trong vỏ quả có tác dụng cầm máu, chống tiêu chảy, thường phối hợp với kaolin. Vỏ quả chanh còn là nguyên liệu để sản xuất tinh dầu.

Tinh dầu: Tinh dầu lấy được bằng cách ép múi chanh có mùi thơm của chanh tươi. Thành phần của tinh dầu gồm citral (4-6%), D-limonen, camphen, terpinen, linalol, linalyl acetat, cadinen. Tinh dầu chanh dược dụng phải có ít nhất 3% citral.

Tinh dầu chanh kích thích nhẹ đường tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột, đẩy mạnh sự phân tiết dịch tiêu hóa giúp bài hơi và có tác dụng khử đờm. Dung dịch chế từ tinh dầu chanh (1 phần) với nước (10 phần) dùng xoa bóp lên da hoặc dùng tinh dầu chanh làm chất phụ gia cho vào nước tắm để chữa chứng hay hoảng hốt, sợ hãi, trầm uất. Một nghiên cứu cho thấy mùi thơm của tinh dầu chanh dưới dạng phun sương làm tỷ lệ sai sót trong đánh máy chữ giảm 54%. Hỗn hợp tinh dầu chanh và tinh dầu bạc hà làm cho con người làm việc tập trung hơn, nâng cao hiệu quả lao động.

Dịch chanh: Chiếm 23-95% trọng lượng quả, chứa acid citric (6,56-7,84%), đường toàn phần (0,26-4,13%), protein, dầu béo, muối khoáng, vitamin B1, C.

Về mặt mỹ phẩm, dịch chanh 5-10 giọt đánh nhuyễn với lòng trắng trứng gà 1 quả, dùng bôi lên mặt sẽ làm giảm nếp nhăn trên da. Dịch chanh trộn với nước ép quả dâu tây, dùng chải tóc và bôi lên da đầu, sau gội sạch để tẩy chất nhờn và làm trơn tóc.

Về mặt y học, dịch chanh có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống viêm, cầm máu, chữa cảm sốt, bệnh Scorbut (bệnh thiếu vitamin C). Ngậm múi chanh với ít muối, nuốt nước dần dần để chữa viêm họng, khản tiếng, ho nhiều, háo khát.

Dùng ngoài, dịch chanh (nửa thìa cà phê), hòa với bột long não 1g và rễ bạch hoa xà giã nhỏ 10g, dùng bôi chữa hắc lào, lở chốc.

Dịch chanh còn là nguyên liệu để chế acid citric.

Hạt chanh: Chiếm 5-7% trọng lượng quả, chứa dầu béo gồm các acid palmitric, stearic, oleic, linoleic và chất đắng lemonin. Dược liệu được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa ho lâu ngày: Hạt chanh 10g, hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, mật gà đen 1 cái. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2-3 lần trong ngày.

Chữa ho, viêm cuống phổi, mất tiếng, nhất là ở trẻ nhỏ: Hạt chanh 10g, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, nước 200ml. Các dược liệu được nghiền nát với nước, thêm mật ong hoặc đường kính, uống làm 2-3 lần trong ngày. Dùng vài ngày.

Chữa táo bón: Hạt chanh vừa tách khỏi múi quả 10-20g, ngâm ngay vào một chén nước nóng trong vài giờ, chất nhày bao quanh hạt sẽ nở và lan ra cho một dung dịch đặc sánh, thêm đường mà uống.

Chữa ngộ độc: Hạt chanh 10g, phèn chua 2g, gừng 2g. Tất cả giã nhỏ thêm nước, gạn uống làm một lần trong ngày.

Chữa rắn cắn: Hạt chanh 15g, hạt mướp đắng 10g, củ gấu 20g, rễ thạch xương bồ 12g, muối ăn vài hạt. Tất cả để tươi, giã nhỏ, ngâm với 300ml nước sôi trong 10 phút, khuấy đều rồi chắt hoặc lọc. Người lớn uống làm hai lần cách nhau 20 phút. Trẻ em dưới 15 tuổi, uống 1/4-1/3 liều người lớn (kinh nghiệm của nhân dân ở xã Khánh Lâm, huyện Thới Bình, tỉnh Minh Hải cũ).

Để tận dụng hết giá trị của quả chanh và để có chanh ăn và làm thuốc quanh năm, ta có thể bảo quản chanh theo những cách sau đây:

- Muối chanh: Quả chanh (loại vỏ mỏng, nhiều nước) để cả cuống, lau sạch, xếp úp vào vại, đặt một cái vỉ lên trên để khi đổ nước vào chanh khỏi nổi. Đun nước muối thật mặn, để nguội, đổ vào chanh cho ngập.

- Chanh ướp đường: Quả chanh rửa sạch, để ráo nước, đem trộn với đường kính với tỷ lệ 1/1, cứ một lớp chanh lại một lớp đường (như ngâm quả dâu, quả mơ).

- Làm cao chanh: Vắt lấy dịch chanh, lọc qua vải màn để loại bỏ hạt và tép, đem đổ vào đĩa (nếu số lượng ít), hoặc khay men (nếu số lượng nhiều) thành một lớp mỏng để làm tăng diện tích bốc hơi. Đem phơi nắng cho đến khi được một chất đặc như keo và có màu xám đen.

TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013




CHỨNG BAN ĐÊM TIỂU TIỆN NHIỀU LẦN

KHÁI NIỆM
Ban đêm tiểu tiện nhiều lần là chỉ chứng trạng số lần và số lượng tiểu tiện nhiều về ban đêm. Nói chung số lần ban đêm tiểu tiện từ 2-3 lần trở lên hoặc số lượng nước tiểu vượt quá một phần tư lượng ban ngày hoặc thậm chí xấp xỉ so với ban ngày. Ban ngày tiểu tiện bình thường chỉ có ban đêm tiểu tiện nhiều hơn là đặc điểm của chứng này. Căn cứ vào đó có thể phân biệt được số lần tiểu tiện.
NGUYÊN NHÂN

1.THẬN DƯƠNG HƯ
2.TỲ THẬN LƯỠNG HƯ


1.THẬN DƯƠNG HƯ
• Biểu hiện: Tiểu đêm nhiều lần kiêm chứng đi vặt, nhỏ giọt không gọn bãi thậm chí không tự chủ hoặc són đái, tai ù hoặc nặng tai, lưng đau mỏi, hoạt tinh tảo tiết, lượt nhợt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Tế Nhược.
• Phân tích: Thận dương bất túc mất chức năng bế tàng, Bàng quang không thu nhiếp, không co thắt gặp lúc ban đêm âm thịnh dương suy mất quyền thu nhiếp cho nên tiểu tiện vặt, tiểu tiện nhiều.
• Pháp điều trị: Ôn bổ Thận dương, cố sáp
• Thuốc: Đại Thổ ty tử hoàn
• Nếu chứng trạng nhẹ thì biểu hiện dương hư không rõ lắm, thường ặp ở người trẻ tuổi mắc bệnh thời gian ngắn, nói chung trách cứ vào Bàng quang khí hư
• Pháp điều trị: Ích khí củng cố Bàng quang
• Thuốc: Tang phiêu tiêu dao tán gia giảm
2.TỲ THẬN LƯỠNG HƯ
• Biểu hiện: Tiểu đêm nhiều lần kiêm chứng cơ thể lạnh, tay chân lạnh, mệt mỏi, đầu choáng, tai ù, lưng gối yếu mỏi, kém ăn đại tiện nhão , hoặc hạ lợi ra nguyên đồ ăn, lưỡi nhợt, bệu, rêu trắng mạch Trầm Nhược.
• Phân tích: Mệnh môn hỏa suy không làm ấm áp Tỳ dương hoặc là Tỳ dương hư yếu không cung cấp đầy đủ cho Thận dương, đến nỗi Tỳ Thận đều hư, sự ấm áp ở hạ nguyên không vững cho nên vào ban đêm âm thịnh dương suy thì lượng nước tiểu nhiều
• Pháp điều trị: Ôn bổ Tỳ thận, ôn dương cố sáp
• Thuốc: Cố phù hoàn gia giảm
Thận chủ thủy quản lý sự đóng mở. Thận dương chủ mở, Thận âm chủ đóng, nếu Thận âm Thận dương mất thăng bằng, đóng mở bị rối loạn sẽ dẫn đến bài tiết nước tiểu bất thường. Thận là tạng, Bàng quang là phủ của thận, quan hệ biểu ý đều chủ về thủy. Bàng quang chủ chứa nước tiểu, cho nên tiểu đêm nhiều lần nên trách cứ vào Thận và Bàng quang. Vả lại ban ngày là dương, ban đêm là âm, ban đêm âm thịnh dương suy, cho nên tiểu đêm nhiều lần thực là do dương khí suy yếu gây nên.

Sự khác nhau giữa bài Bát vị dùng Sinh địa, Quế chi so với bài Bát vị dùng Thục địa, Nhục quế

Sự khác nhau giữa bài Bát vị dùng Sinh địa, Quế chi so với bài Bát vị dùng Thục địa, Nhục quế
Tác giả Trần Quang Thống
Ngày nay, các sách viết về các bài trên hết sức mơ hồ và rối loạn, không rõ ràng, tiền hậu bất nhất. Điểm quan trọng trong bài thuốc này là thay đổi vị Sinh địa thành Thục địa, Quế chi thành Nhục quế là sẽ thay đổi công năng của bài thuốc theo lý luận và mục đích xử dụng. Vì vậy, trước khi xử dụng các phương thang trên, cần phải hiểu rất rõ về lịch sử hình thành, công năng chủ trị, phương pháp gia giảm, kinh nghiệm của các y gia về gia giảm.
  










Tôi xin lý giải tại sao tôi lại thường hay dùng Kim Quỹ Thận Khí Hoàn nguyên gốc. Đó là vì, trên thực tế lâm sàng, qua quan sát các thầy thuốc (tôi đã chứng kiến nhiều thầy thuốc lão làng ở cả Hà Nội, và Sài Gòn, và cả chính bản thân tôi) dùng bài Bát Vị Quế Phụ, thì bệnh nhân thường bị ngộ độc nhẹ Phụ tử, dần dần tôi để ý thấy những điều sau: chỉ chứng nào có triệu chứng ngũ canh tả thì không ngộ độc; có thực hàn dương hư thì không bị; thể trạng gầy gò xanh xao, có triệu chứng dương hư, không ham muốn tính dục, dương nuy thì không bị.
Còn những người có thể chất tráng kiện, chân tay tuy lạnh, sợ lạnh, nhưng dùng vào là bị ngộ độc phụ tử ngay. Hoặc những người đi tiểu bình thường, nhưng thường tiết tả, cẩu lỏng nhiều trong ngày, ham muốn tính dục, nhưng lại mau xuất tinh, dương vật không cương cứng,  dùng Quế Phụ Bát Vị thì ngộ độc, nhưng dùng Kim Quỹ Thận Khí thì phục hồi rất nhanh.
Tôi quan sát và suy nghĩ thì nhận thấy, người thời nay, nhà cửa kín đáo, ăn uống đầy đủ, không còn dầm mưa dãi nắng như ngày xưa, nên tình trạng thận dương hư khiến phải dùng đến Quế Phụ Bát Vị rất ít. Bạn cứ thử cho 10 đối tượng thận dương hư dùng Quế Phụ Bát Vị thì có đến 6;7 người có biểu hiện tê dại, nhưng cho dùng Kim Quỹ Thận Khí thì hầu như không có ai bị như vậy cả.
Trên lâm sàng, tôi thường ứng dụng chữa trong các chứng xuất tinh sớm, liệt dương, huyết áp cao thể mỡ máu tăng, rối loạn tiểu tiện, các chứng đau bụng tiết tả, u xơ tiền liệt tuyến, kháng thể kém khiến thường hay cảm mạo, đàm nhiều… chỉ cần linh động gia giảm thì sẽ thâu được kết quả cực kỳ mỹ mãn. Không phải vô cớ mà tôi thường sử dụng bài này. Trên lâm sàng, tôi thường sử Kim Quỹ Thận Khí Hoàn, Lục Vị Địa Hoàng Hoàn (bài Lục Vị ứng dụng thật kỳ diệu, có thể nói ứng dụng của nó đa dạng gần như không có bài nào vượt qua được).
So sánh các vị thuốc trên chúng ta có thể thấy:
  • Sinh địa: vị ngọt, lạnh; vào kinh Tâm, Can Thận. Có công năng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm, sinh tân. Trị nhiệt bệnh, phiền khát, âm hư nội nhiệt, cốt chưng lao nhiệt, nội nhiệt tiêu khát, thổ huyết nục huyết, phát ban phát chẩn.
  • Thục địa: vị ngọt, hơi ấm. Vào kinh Can, Thận. Có công năng tư âm bổ huyết, ích tinh điền tủy. Trị Can Thận âm hư, lưng gối mỏi mềm, cốt chưng triều nhiệt, đạo hãn di tinh, nội nhiệt tiêu khát, huyết hư da vàng vọt, tâm quý chinh xung, kinh nguyệt không đều, băng lậu hạ huyết, huyễn vậng, nhĩ minh, râu tóc bạc sớm.
  • Quế chi: vị cay, ngọt, ấm. Vào kinh Tâm, Phế, Bàng quang. Có công năng phát hãn giải cơ, ôn thông kinh mạch, trợ dương hóa khí, bình sung giáng khí. Trị phong hàn cảm mạo, vùng bụng trên đau lạnh, huyết hàn bế kinh, các khớp đau nhức, đàm ẩm, thủy thũng, tâm quý, bôn đồn.
  • Nhục quế: Vị cay, ngọt, đại nhiệt. Vào kinh Thận, Tỳ, Tâm. Có công năng bổ hỏa trợ dương, dẫn hỏa quy nguyên, tán hàn chỉ thống, hoạt huyết thông kinh. Chủ trị dương nuy, lạnh tử cung, lưng gối lạnh đau, thận hư sinh suyễn, dương hư huyễn vựng, mắt đỏ họng đau, tâm phúc lạnh đau, hư hàn thổ tả, hàn sán, bôn đồn, bế kinh, thống kinh.
Qua sự so sánh các vị trên, chúng ta có thể nhận thấy, cũng là dương hư, nhưng Quế Phụ Bát Vị thì dùng trong chứng thực hàn, dương hư nặng mà có thực hàn; Kim Quỹ Thận Khí Hoàn thì dùng trong chứng thận dương hư. nhưng không có thực hàn (hư hàn).
Trần Quang Thống

 NGẢI CỨU - VỊ THUỐC QUÝ CHO CHỊ EM
Ngải nhung: lá Ngải cứu khô tước bỏ cọng và gân lá, vò nhuyễn, rây bỏ phần bột lá, lấy phần tơi xốp mềm như nhung (để chế mồi Ngải hay điếu Ngải) gọi là Ngải nhung.
Ngải cứu
- Ngải cứu còn gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải diệp. Tên khoa học: Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc ASTERACEAE (COMPOSITAE). Ta dùng lá có lẫn một ít cành non phơi hay sấy khô làm vị thuốc mang tên Ngải diệp (lá ngải).
- Ngải cứu là một vị thuốc rất phổ biến, thông dụng cả trong Đông y và Tây y, nó được đưa vào sách Dược điển của nhiều nước trên thế giới, và được coi là mẹ của các loại cây nhờ công dụng y học thần bí của nó.
- Đông y coi Ngải cứu là một vị thuốc có tính hơi ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, máu cam.
1. Làm thuốc chữa bệnh cho phụ nữ
- Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày có kinh dùng 6-12 gr ngải cứu khô sắc với nước hoặc hãm với nước sôi uống như trà, uống ba lần trong ngày. Thuốc không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
- Chữa kinh nguyệt không đều, kéo dài, máu ra nhiều, người mệt mỏi, đi đứng mệt yếu: Đến ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt và cả những ngày đang có kinh, dùng 10 gr ngải cứu khô sắc với 200 ml nước, cô lại còn 100 ml, chia uống hai lần trong ngày. Nếu khó uống, có thể thêm đường.
Có thể cân luôn một lần 20g sắc với 400ml nước, cô còn 200ml, chia làm 2 lần uống sáng và chiều. Chỉ sau 1-2 ngày là thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.
- Thuốc an thai: Phụ nữ có thai nếu bị đau bụng, ra máu thì dùng 16 gr ngải cứu, 16 gr tía tô, đổ 600 ml nước sắc còn khoảng 100 - 150 ml, chia uống làm 3 - 4 lần trong ngày.
- Chữa rong huyết: Ngải cứu 16 gr, cỏ hôi (cây cứt lợn) 20 gr, hy thiêm 12 gr, ích mẫu thảo 12 gr, hương phụ chế 10 gr. Tất cả đem rửa sạch, phơi khô. Cho 600 ml nước sắc với các vị trên, cô lại còn 150 ml, chia uống làm hai lần trong ngày. Điều trị kiên trì trong 3 - 4 tháng sẽ có hiệu quả.
- Những người kiệt sức hay các bà mẹ đang cho con bú: Lấy 5 cành lá ngải cứu khô, rửa sạch, băm nhỏ, pha với một cốc nước sôi, uống hàng ngày sẽ mau hồi phục sức khỏe.
- Ngoài công dụng điều kinh, ngải cứu còn được dùng làm thuốc giúp sự tiêu hoá , chữa đau bụng, nôn mửa, thuốc giun, sốt rét.
- Uống trà ngải cứu giúp lưu thông mạch, giải rôm sẩy, giảm viêm sưng, nó cũng rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú và những người cần được bồi bổ. Cách pha trà: dùng một thìa lá ngải cứu khô băm nhỏ cho vào cốc nước mới sôi. Đậy kín, sau 3 – 5 phút có thể uống, thêm một chút đường sẽ dễ uống hơn.
Chú ý: Không nên dùng dài ngày. Thai sản bình thường không nên dùng nhiều.
2. Tăng cường sức khỏe và chữa các bệnh khác
- Tăng cường sức khỏe: Dùng nhiều lá ngải cứu tươi hoặc khô cho vào túi lọc rồi cho nước nóng chảy qua trước khi chảy vào bồn tắm. Làm theo cách này có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm.
- Người Nhật thường có sẵn trong nhà một túi ngải cứu khô để dùng quanh năm. Uống trà ngải cứu giúp lưu thông mạch, giải rôm sẩy, giảm viêm sưng, nó cũng rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú và những người cần được bồi bổ. Cách pha trà: dùng một thìa lá ngải cứu khô băm nhỏ cho vào cốc nước mới sôi. Đậy kín, sau 3 – 5 phút có thể uống, thêm một chút đường sẽ dễ uống hơn.
- Chữa bệnh cảm do thời tiết thay đổi bất thường (nhức đầu, đau mình, sốt nóng, ho hen, tứ chi rã rời, …): Lấy chừng 10 – 20g gải cứu khô, một vài lát gừng, đâm dập, tất cả cho vào ấm, đổ chừng 2 chén nước, nấu sôi còn lại chừng một chén, đem uống nóng, rồi đắp chăn kín chờ ra mồ hôi rồi lau khô.
- Chữa bong gân: Đắp nước đá hoặc nước lạnh ở chỗ bị bong gân; để khớp bị bong gân nằm yên, kê cao lên; lấy một nắm lá ngải cứu khô (nhiều hay ít tùy vào vùng bị bong gân là rộng hay hẹp), tẩm rượu, bó vào nơi tổn thương. Ngày thay 1 lần.
+ Giảm đau, cơn đau dịu dần và dứt hẳn vào ngày thứ 2-3.
+ Sưng nề và tụ máu dưới da rút đi nhanh chóng.
+ Hồi phục chức năng: Cử động chi sớm. Sau lần bó thứ 2 người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng vì Ngải Cứu làm mềm gân cơ, hạn chế hiện tượng xơ hóa tổ chức, cử động được nhanh chóng.
+ Rút ngắn thời gian điều trị do: Tanin (Ta nanh) có chất chống phù nề; Xineol làm giảm đau và làm mềm gân, chống quá trình xơ hóa; Thyon có tác dụng kích thích gân cơ, dây chằng giúp phục hồi cử động sớm.
- Chữa hen phế quản bằng cách đốt ngải cứu khô và hít khói. Các nghiên cứu cho thấy khói ngải cứu có tác dụng ức chế co thắt phế quản chuột lang đặt trong bình khí dung histamin và ức chế co thắt cơ trơn gây bởi histamin và acetylcholin. Tinh dầu ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn đối với phế cầu, trực khuẩn lao và một số chủng vi khuẩn khác. Phương pháp này được áp dụng ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác.
3. Công dụng dưỡng da, trị mụn
- Ngải cứu còn có tác dụng phân giải chất béo, loại trừ những cặn bã bám trên da, nên nó là chất làm sạch da rất tốt, đặc biệt với những người có da nhờn. Mặt khác, ngải cứu còn giúp giữ ẩm, nên cũng có tác dụng rất tốt với những người da khô.
- Trong ngải cứu có một số hoạt chất giúp xúc tiến tuần hoàn máu toàn thân, nhờ vậy có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp cho da được nuôi dưỡng tốt, vết thương mau lành và lên da non.
- Để tăng lực có thể tắm bằng lá ngải cứu. Có tác dụng lột lớp da chết, làm mềm da, giúp huyết mạch lưu thông tốt, làm dịu các chỗ viêm sưng, trừ rôm sẩy.
- Trong ngải cứu có một chất gọi là tanin, giúp ngăn ngừa các vết chàm, mụn nước nhỏ và một số chứng bệnh viêm da khác.
Một số cách sử dụng ngải cứu để làm đẹp da
- Đắp ngoài: Dùng lá ngải cứu đun sôi kỹ cho nhừ, sau đó lấy vải mỏng lọc lấy nước, để vào lọ, cho vào tủ lạnh dùng dần. Mỗi buổi tối, sau khi rửa mặt sạch, dùng khăn thấm nước ngải cứu đắp lên mặt, nhất là những vùng da xấu, sau vài phút khăn tự khô, gỡ khăn ra rửa lại bằng nước sạch.
- Uống: Lấy ngải cứu đun nước kỹ và chắt uống không. Hoặc có thể sao khô cho vào lọ để pha uống dần như pha chè. Không nên dùng quá nhiều, mỗi ngày chỉ nên pha một nhúm nhỏ và uống khoảng 200 ml nước ngải cứu. Trà ngải cứu rất tốt cho cơ thể.
- Trị mụn trứn cá: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho bạn làn da mịn màng và trắng hồng.
-Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy ở trẻ: Với những trẻ nhỏ thường hay bị rôm sảy, xay nát lá ngải cứu, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ. Làm liên tục trong vài ngày, các nốt ngứa sẽ lặn mất.
4. Món ăn bổ dưỡng
- Trứng gà tráng ngải cứu: Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.
- Gà tần ngải cứu: Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai: 1 con gà đen khoảng 500gr, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ tử, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ.
-
Gà ta nấu với ngải cứu: Gà mái ngon 1 con khoảng 1kg, ngải cứu 150g. Gà mái làm sạch, chặt miếng nhỏ. Ngải cứu rửa sạch. Cho gà vào nồi rang chín tái rồi cho nước vào đun trong vòng 45 phú. Khi thịt gà chín mềm, cho ngải cứu vào đun sôi, nêm gia vị vào là dùng được. Ăn nóng, ăn 2lần/ngày. Ăn trong ngày có kinh. Món ăn có tác dụng bổ khí, bổ máu. Những người kinh nguyệt nhiều, hay mất ngủ, bụng dưới đau, sử dụng rất thích hợp.
Các món canh từ ngải cứu
- Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh...). Thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng.
- Canh suông lá ngải cứu tươi non: Chữa đau tức ngực, ho do khí trời lạnh giá.
- Canh bổ dưỡng cho phụ nữ sau sinh 15 -20 ngày: Lá ngải cứu tươi 100g rửa sạch. Gà giò 1 con đủ 1 bữa. Chọn được gà ác càng tốt (lông trắng da thịt đen), mổ moi bỏ lòng, nhồi ngải cứu vào bụng gà, hấp cách thuỷ. Cách ngày 1 con, cả liệu trình 7- 9 con.
- Canh trứng gà ngải cứu, chữa đau bụng kinh do lạnh: Lá ngải cứu 30g, trứng gà 2 quả. Nấu chín trứng với ngải cứu. Lấy trứng ra bóc vỏ, rồi bỏ lại vào, nấu lại với ngải cứu 10 phút. Ăn trứng hàng ngày trong 7 ngày. Nếu thêm ít hồi hương sẽ có tác dụng mạnh.
Các món cháo ngải cứu
- Chữa động thai: lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ. Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.
- Cháo ngải cứu chữa thấp khớp: lá ngải cứu 100g, lá lốt 200g, gạo xay 200g, rửa sạch hai loại lá xay lấy nước 300ml hoà vào gạo. Đun lửa nhỏ, quay đều không để vón. Ăn nóng lúc đói. Bã lá xào dấm nóng, đắp chườm chỗ sưng đau.
- Cháo ngải hoa cúc: lá ngải cứu 100g, hoa cúc 50g, gạo tẻ 200g. Cách làm như trên.
- Cháo ngải cứu bìm bịp chữa đau liên sườn, đau khớp: lá ngải cứu 50g, bìm bịp 1 con, gạo nếp 200g. Gia vị vừa đủ. Bìm bịp bóp chết, bọc đất bên ngoài dùng củi đốt cho đến khi đất đỏ. Bóc đất, gỡ thịt ướp gia vị, còn (xương, đầu, cánh, chân...) thì giã nát lọc lấy 40ml nước. Nấu cháo nhừ rồi cho thịt, nước xương chim, lá ngải cứu đã thái chỉ vào cháo quấy đều. Cháo sôi lại là được. Ăn nóng ngày 1 lần, liền 3 ngày (kinh nghiệm dân gian cho thấy hiệu quả cao).
- Cháo ý dĩ, ngải cứu: Ngải cứu tươi 20g, ý dĩ 40g, độc hoạt 15g, gạo tám thơm 70g, đường đỏ, nước đủ dùng. Các thứ trên (trừ gạo) rửa sạch cho vào nồi hầm khoảng 30 phút, rồi chắt lấy nước, bỏ bã. Sau đó cho gạo đã vo sạch vào hầm với nước trên thành cháo, cho đường đỏ vào khi cháo đã chín là được. Ăn trong những ngày có kinh. Món ăn này có thể chữa bệnh đau bụng kinh, kinh thưa, ít, đau mỏi cơ thể khi bị hành kinh. Ngải cứu chữa chứng rong kinh, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều; ý dĩ chữa phù thũng kiết ly; độc hoạt thông kinh có thể chữa các chứng đau mỏi lưng, chân tay đau nhức.
Làm nước uống có lợi cho sức khỏe
- Trà ngải cứu: Các tiệm trà ở Nhật Bản bán lá ngải cứu khô để hãm uống bồi bổ sức khoẻ (dùng cho cả sản phụ cho con bú). Để điều kinh cũng dùng cách này uống 6g – 12g chia 3 lần/ngày. Sách Tây y hướng dẫn dùng lá ngải cứu chống mỡ máu, xơ cứng thành mạch, hạ huyết áp cao. Lá ngải cứu hái trước 10 giờ sáng rửa sạch cho vào máy xay sinh tố, dùng cốc sứ để uống. Nếu khó uống cho thêm một chút mật ong. Có thể hái sẵn cho vào túi nylon để trong tủ lạnh.
- Nước uống: Cho người động thai đau bụng 4 - 8g lá tươi giã vắt lấy nước cốt hoà vào chén mật ong đun sôi uống.
- Nước ngải cứu tươi: Chữa đau bụng kinh – 1 nắm lá ngải cứu tươi vắt lấy nước uống.
- Nước sắc ngải cứu: chữa kinh nguyệt kéo dài, ra nhiều máu, mệt mỏi suy nhược. Lá ngải cứu khô 10g, thêm 200ml sắc còn 100ml, uống 1 lần, cho ít đường cho dễ uống.
- Nước uống cho người cao huyết áp: ngải cứu khô 10g, nấu trong đồ sứ (không dùng kim loại). Nấu ngày nào uống ngày đó (không để qua đêm).
- Nước sắc ngải cứu chữa chứng thương hàn (của Đông y) thời khí ôn dịch gây sốt cao, đầu nhức, mạch hồng thực. Dùng lá ngải cứu khô 3 lạng (120g), uống nóng cho ra được mồ hôi là khỏi. Khi sắc thuốc ngải cứu có sách dặn “không để ngoài gió”...
- Rượu ngải diệp (Thánh tể tổng lục) để ôn kinh, chỉ thống: lá ngải cứu khô 30g, men rượu vừa dùng. Nấu ngải cứu lấy nước đặc cho vào 2kg cơm nếp và men rượu gầy. Sau khi ngâm xong, lọc bỏ bã, cất vào chai. Ngày uống vài lần.

Bài thuốc chữa áp xe vú

Chũa áp xe vú bằng chè vằng

Chè vằng còn gọi là chè cước man, dây cẩm văn, cây dâm trắng, cây lá ngón, dây vắng, mổ sẻ. Tên khoa học Jasminum subtriplinerve Blume. Thuộc họ nhài Oleaceae.

Chè vằng là một cây nhỏ, mọc thành bụi ở bờ rào hay bụi tre hoặc bám vào các cây lớn. Thân cây cứng chia thành từng đốt, đường kính 5-6 mm, chia thành nhiều cành, có thể vươn cao 1-1,5 m và vươn dài tới 15-20 m, thân và cành đều nhẵn. Lá mọc đối, hình mũi mác, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá nhọn, những lá phía trên nhỏ hơn lá phía dưới. Hoa mọc thành xim nhiều hoa (chừng 7-9 hoa), cánh hoa màu trắng.
Cây chè vằng hiện nay mọc hoang ở khắp nơi trên nước ta, từ Nam chí Bắc. Tại miền Bắc có ở Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại miền Nam, đồng bào thường dùng dây vằng để đan rế và đánh dây thừng vì dây vằng vừa dẻo vừa dai. Nhân dân thường hái lá quanh năm làm thuốc hay để đun nước tắm ghẻ. Dùng tươi hay phơi khô để dành.

Nhân dân nhiều tỉnh dùng lá vằng phơi khô nấu hay pha nước uống hàng ngày hay cho phụ nữ sau khi sinh uống. Có nơi dùng lá nấu nước tắm cho trẻ con bị ghẻ lở. Tại miền Nam, nhân dân dùng lá chữa sưng vú, cho phụ nữ mới sinh uống, còn dùng chữa rắn cắn, rễ mài với giấm thanh để làm hết mủ những ung nhọt đã nung mủ. Liều uống hàng ngày: 20-30 g lá khô. Dùng ngoài không kể liều lượng.



Kinh nghiệm dùng lá chè vằng của bệnh viện Thái Bình: Dùng lá chè vằng giã nát đắp vào nơi áp xe vú hoặc giã lá với cồn 50 độ rồi đắp vào nơi áp xe. Ngày 3 lần, đêm 2 lần. Thời gian điều trị thường là 1 ngày đến 1 tuần tùy theo bệnh nặng hay nhẹ và được bắt đầu chữa bằng lá chè vằng sớm hay muộn, trung bình 1,5 đến 2 ngày. Bệnh nhân điều trị bằng chè vằng thường hết sốt sau 2 giờ dùng thuốc, sau khi khỏi bệnh, công thức và số lượng bạch cầu trở lại bình thường, sữa cũng trở lại bình thường.


GS Đỗ Tất Lợi

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Sử dụng nghệ đúng cách để phát huy hết tác dụng



Đối với bệnh ung thư ruột

Sử dụng nghệ thường xuyên trong các bữa ăn, bạn có thể giảm được nguy cơ ung thư ruột. Hiện nay, các chuyên gia sức khoẻ Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc thử nghiệm, điều trị bệnh ung thư ruột bằng một loại thuốc được chế biến từ củ nghệ.

Chữa  bệnh viêm khớp

Củ nghệ có tác dụng giảm đau khi bạn bị chứng viêm khớp quấy nhiễu. Cách làm rất đơn giản, đun nóng một cốc sữa, trước khi sôi, bắc xuống cho một thìa cà phê nghệ dạng bột vào đó. Khuấy đều và mỗi ngày uống 3 lần. Bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.

Khi gặp rắc rối với tiêu hoá:

Nghiên cứu cho thấy, nghệ có thể kích thích tiêu hoá và giải phóng ra các emzim tiêu hoá, phá vỡ liên kết cacbonhydrat và các chất béo. Chính vì thế, trong trường hợp bị đau bụng, một cốc trà nghệ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

Ung thư tuyến tiền liệt:

 Ăn nhiều rau xanh, kết hợp với nghệ có thể ngăn ngừa được nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà khoa học tại New Jersey đã chứng minh rằng, kết hợp ăn nghệ với bông cải xanh, cải xoắn, củ cải và bắp cải có thể bảo vệ bạn chống lại căn bệnh chết người này.

Bệnh tim:

Bạn có thể giảm hàm lượng cholesterol độc hại trong máu và có khả năng chống lại chứng xơ vữa động mạch bằng củ nghệ.

Đối với người hút thuốc:   
Bằng cách “nạp” vào cơ thể 1,5 g nghệ mỗi ngày chỉ trong vòng một tháng, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt, cơ thể bạn sẽ giảm đáng kể các tế bào đột biến gây ung thư. Các bằng chứng thuyết phục đã cho thấy, thậm chí những người hút thuốc lá có sử dụng nghệ cũng có thể đạt được hiệu quả bất ngờ, giảm nguy cơ ung thư.