Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NÊN CHỌN BẠN ĐỜI THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP


Lựa chọn bạn đời là một việc hết sức quan trọng trong cuộc đời của chúng ta, nhưng một nghịch lý đang xảy ra, chúng ta thường cá nhân hóa những vấn đề xã hội, và xã hội hóa vấn đề cá nhân - vấn đề lựa chọn ấy. Vì sao tôi nói như vậy?
Cá nhân hóa vấn đề xã hội: chúng ta không tuân thủ luật lệ giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, cơi nơi đất đai nhà cửa, trưng dụng được của công càng nhiều càng tốt.
Xã hội hóa vấn đề cá nhân: biểu hiện rõ nhất là lấy đánh giá của gia đình làm căn cứ để quyết định chọn đối tượng kết hôn, lấy vợ lấy chồng theo xu thế xã hội, tới tuổi thì phải thành gia lập thất, sợ xã hội dị nghị khi yêu và kết hôn với một người không môn đăng hậu đối.
Chúng ta đang vô tình sống theo một công thức, ở đó tâm tư tình cảm và cái cá nhân thực sự mong muốn bị lu mờ. Điều này dẫn đến hai hệ quả:
- Người cảm thấy mất phương hướng, không biết chọn bạn đời thế nào. Lựa chọn theo gia đình? Theo tiêu chuẩn xã hội? Theo sự sắp đặt của người thân? Hay theo bản thân mong muốn? Và số lượng lớn vẫn ưu tiên gia đình, tiêu chuẩn xã hội rồi mới tới cảm xúc của mình.
- Người không nghĩ ngợi nhiều, quyết định theo tiêu chuẩn và gia đình, và để rồi chỉ sau khi cưới xong, họ mới rơi vào khủng hoảng của sự xáo trộn cuộc sống sau hôn nhân.
Không lý gì mà tỉ lệ ly hôn lên tới 33%.
Vậy nên chọn bạn đời thế nào? Kinh nghiệm gia đình, xã hội không phải là những thứ đã được đúc rút từ những người đi trước, giúp cho chúng ta tránh khỏi những sai lầm có thể mắc phải sao? Câu trả lời là đúng, nhưng với những người đi trước thôi, vì xã hội luôn thay đổi muôn hình vạn trạng, công việc, tính cách, thói quen, hiểu biết và hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác. Nếu bạn làm dập khuôn theo những kinh nghiệm và suy nghĩ của người khác, bạn đang sống thay họ và bỏ rơi bản thân mình.
Nói như thế không có nghĩa tôi khuyên bạn không nên nghe sự chỉ bảo của những người đi trước, mà tôi khuyên bạn nên nghe có chọn lọc và cân nhắc, trên cơ sở đó đưa ra các tiêu chuẩn của riêng mình dung hòa tốt nhất với bản thân và mọi người. Nó cũng giúp bạn có định hướng và chính kiến khi lựa chọn bạn đời, không xuôi theo các tình cảm bột phát. Và đương nhiên, việc này cần làm trước khi quyết định tiếp cận và dính lứu tình cảm với ai đó. Còn nếu bạn đốt cháy giai đoạn, dính lứu tình cảm rồi mới lựa chọn, thì bạn đã quay lại với cái vòng luẩn quẩn phía bên trên. Cách tốt nhất trong trường hợp này là lập lại các tiêu chuẩn mà bạn nghĩ là cần thiết và phù hợp, sau đó cân nhắc xem đối tượng hiện tại đáp ứng được bao nhiêu % và quyết định.
Việc lập tiêu chuẩn cũng hết sức quan trọng. Nếu bạn đưa ra tiêu chuẩn quá cao, bạn sẽ khó tìm được người phù hợp. Nếu bạn đưa ra tiêu chuẩn quá thấp, cuộc sống bạn cũng khó viên mãn. Quá trình này có thể đòi hỏi chúng ta phải tự cảm nhận và điều chỉnh qua thực tế cuộc sống mỗi người. Những tiêu chuẩn lựa chọn mà chúng ta thường cân nhắc là gì:
1. Trình độ văn hóa: việc trình độ văn hóa quá lệch nhau gây khó khăn trong việc nhìn nhận và đánh giá các vấn đề trong cuộc sống chung sau này.
2. Thành phần bản thân: điều này khá quan trọng, nó ảnh hưởng tới phong cách sống và tư duy của từng người. Một người làm nông  nghiệp sẽ có phong cách khác với người làm công nghiệp hay trí thức. Việc này cũng ảnh hưởng tới lối ứng xử đối nội đối ngoại trong gia đình tương lai.
3. Tính cách: đây là yếu tố quan trọng nhất và cũng khó khám phá nhất, bởi bạn chỉ có thể tự đánh giá sau một thời gian dài tiếp xúc. Trên thực tế, sự tương hợp phụ thuộc vào hiểu biết và sự chấp nhận của bạn, chứ không nằm ở tính cách người đó ra sao. Bạn chỉ nên đưa ra 3 đặc điểm tính cách mà bạn cho rằng bắt buộc phải có, và 3 đặc điểm tính cách bạn không thể chấp nhận được.
4. Tình trạng cá nhân: như tình trạng hôn nhân, con cái, dân tộc, tôn giáo...
5. Nghề nghiệp, thu nhập: một số người coi trọng yếu tố này, nhưng một số người lại cảm thấy thất vọng về nó. Tuy nhiên đối với cuộc sống chung, nếu các bạn có thể rạch ròi và chấp nhận nhau ngay từ ban đầu cũng là một việc tốt.
6. Các thói quen xấu: một số người rất coi trọng việc bạn đời có hút thuốc lá không, đánh bạc không, nghiện ngập không... và đây cũng có thể là một tiêu chí cần đưa ra.
7. Thói quen và sở thích: yếu tố này với cá nhân tôi ít quan trọng hơn. Chủ yếu là các bạn có tình cảm với nhau, tôn trọng và biết khuyến khích nhau. Tuy nhiên, với nhiều người đây lại là tiêu chí đứng đầu cho việc lựa chọn.
8. Quan điểm sống: gồm các quan điểm về gia đình, xã hội, công việc
9. Khả năng quán xuyến các việc trong gia đình: nấu nướng, giặt giũ, sửa nhà, sửa cửa...
Nói chung, không có ai hoàn hảo và chúng ta cũng vậy. Bạn hãy cố gắng đưa tiêu chuẩn phù hợp nhất, và sau đó quan trọng hơn cả vẫn là vun đắp tình cảm và biết giúp đỡ nhau khắc phục những khiếm khuyết. Sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ nhau là sức mạnh của gia đình. Chỉ khi nào bạn cảm thấy những vấn đề của người ấy là vấn đề của chính mình, thì các bạn đã là một cặp đôi thực sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét